Sau Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu là dịp lễ lớn được tổ chức vào rằm tháng Giêng hằng năm. Ngày lễ này đánh dấu sự kết thúc của Tết Nguyên đán và được tổ chức ở khắp các nước châu Á như Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc. Cùng THANHMAIHSK khám phá nguồn gốc, ý nghĩa và các hoạt động trong ngày lễ này ngay dưới đây nhé.
1. Tết Nguyên Tiêu là gì?
Tết Nguyên Tiêu (rằm tháng Giêng) là Tết cổ truyền của cả Việt Nam và Trung Quốc. Ở Việt Nam, ngày này còn được gọi với cái tên khác là Lễ Thượng Nguyên. Lễ hội diễn ra từ giữa đêm 14 và trọn vẹn ngày 15 trăng rằm của tháng Giêng âm lịch.
Tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ đâu?
Tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ Trung Quốc và du nhập vào các nước Đông Nam Á. Đây được coi là ngày cuối cùng của Tết Nguyên Đán. Kể từ đó, mọi điều kiêng kỵ cho năm mới sẽ không phải thực hiện nữa. Ở Việt Nam, đây cũng là lúc để dọn dẹp các đồ trang trí Lễ tết.
Ở Trung Quốc, ngày này còn được coi là lễ hội đèn lồng mùa xuân. Tuy nhiên, trong quá trình giao thoa văn hóa, dưới sự tác động của Phật giáo, Tết Nguyên Tiêu của VN có chút khác biệt và mang những nét văn hóa riêng của người Việt.
Ý nghĩa Tết Nguyên Tiêu đối với người Việt Nam
Ở Việt Nam, Tết Nguyên Tiêu được nhiều người cho là gắn liền với tập quán nông nghiệp hàng nghìn năm của người nông dân Việt Nam. Trước Rằm tháng Giêng, những người nông dân phải vất vả chuẩn bị cho công việc đồng áng của cả năm. Vào đêm rằm tháng Giêng, người nông dân Việt Nam sẽ đốt lá khô để loại bỏ sâu bọ gây hại. Sau những công việc vất vả đó, những người nông dân sẽ ngồi xuống và thưởng thức vẻ đẹp của ánh trăng rằm.
Tầm quan trọng của Tết Nguyên Tiêu đã được ông bà ta nhắc đến trong những câu: “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng” hay “Cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”. Người Việt quan niệm rằng đêm rằm đầu tiên sau Tết Nguyên đán là ngày rằm quan trọng nhất trong cả năm. Nó đánh dấu mùa xuân đã về và tượng trưng cho sự đoàn tụ sum vầy của cả gia đình, đặc biệt là những người xa xứ lâu ngày mới về.
2. Tết Nguyên Tiêu tại Việt Nam có những hoạt động gì?
Lễ chùa, cầu khấn một năm an lành
Vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, người dân VN nô nức đi đền chùa lễ hội cầu cho gia đình mình những điều tốt đẹp nhất. Đây cũng là một trong những ngày lễ ăn chay của người dân Việt. Thực phẩm thuần chay được cho là sẽ mang lại cảm giác yên tâm cho năm tới.
Ăn bánh trôi nước
Bánh trôi nước là món ăn truyền thống của người Việt Nam vào Tết Nguyên Tiêu. Chúng trông giống như những chiếc bánh bao làm bằng bột nếp. Nhân bánh được nhồi với đường trắng hoặc nâu, hạt mè, nhân đậu hoặc kết hợp nhiều nguyên liệu.
Trong tiếng Trung, nó được gọi là 汤圆 /Tāngyuán/ hoặc 团圆 /Tuányuán/ có nghĩa là sự sum họp hạnh phúc của cả gia đình. Người ta tin rằng hình tròn của chiếc bánh và những chiếc bát tượng trưng cho sự trọn vẹn và đoàn tụ.
Trang trí đèn lồng và cúng bái tổ tiên
Sẽ không quá ngạc nhiên nếu bạn bắt gặp những con phố đèn lồng trên các đường phố Việt Nam. Chúng được trưng bày rực rỡ, công phu với nhiều màu sắc bắt mắt, mang đến cảm giác hoài cổ và yên bình. Ở miền Nam Việt Nam, bạn sẽ bắt gặp những con đường này nhiều hơn.
Còn ở miền Bắc Việt Nam, Tết Nguyên Tiêu có thể nói là để tưởng nhớ đến tổ tiên. Mọi người sẽ hối hả mua sắm hoa quả, giấy tờ để bày lên bàn thờ gia tiên. Ngoài ra, các gia đình khá giả còn làm thêm đàn lễ ngoài trời để cảm ơn Trời Phật, thần thánh cùng các vị anh hùng dân tộc. Nếu kinh tế gia đình hạn hẹp, chỉ cần mâm cúng nhỏ với lòng thành là đủ.
3. Tết Nguyên Tiêu Trung Quốc có gì khác so với Tết Nguyên Tiêu ở Việt Nam
Hoạt động diễn ra trong ngày Tết Nguyên Tiêu ở Trung Quốc
Tết Nguyên Tiêu ngày xưa ở Trung Quốc còn được gọi là Tết Trạng Nguyên. Bởi lẽ đây là dịp để nhà vua triệu tập và thiết đãi các vị Trạng nguyên. Họ vào vườn Thượng Uyển để ngắm hoa, thưởng ngoạn và ngâm thơ.
Ngày nay, đây là ngày lễ thả đèn Hoa đăng hay lễ hội đèn hoa để người Hoa gửi gắm những mong ước. Hoạt động này bắt nguồn từ tục trưng đèn trên cây nêu thời Hán Vũ Đế. Những đèn lồng hình các con vật trong 12 con giáp hay đèn lồng long phượng được yêu thích hơn cả.
Nhiều người còn xem đây là Valentine của Phương Đông hay lễ Thất tịch. Nhiêu đó đủ để thấy tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của ngày lễ Tết này trong văn hóa Trung Quốc.
Các món ăn trong Tết Nguyên Tiêu Trung Quốc
Bánh trôi nước 汤圆 với ý nghĩa một năm mới vạn sự như ý. Rau xà lách 生菜 gần âm với 生财 được xem là sự cầu mong tài lộc cho cả năm. Há cảo 饺子 gắn với truyền thuyết “15 dẹt, 16 tròn” của người Hà Nam. Bánh táo đỏ 棗糕 với ý nguyện khỏe mạnh, cát tường. Ngoài ra, vùng Giang Bắc còn ăn mì với tập tục: “Thắp đèn Nguyên Tiêu, ăn mì, ăn xong cầu mong cả năm sáng lạng” 上燈元宵,落燈面,吃了以後望明年.
Trên đây là sự khám phá về Tết Nguyên Tiêu tại Trung Quốc và Việt Nam. Nét văn hóa tương đồng đã gắn kết hai đất nước. Dù là ở nước nào, Tết Nguyên Tiêu cũng là ngày lễ trọng đại mà bạn nên dành thời gian cho gia đình và cầu mong những ước muốn tốt đẹp.
Xem thêm:
- Nguồn gốc, ý nghĩa Lễ Thất tịch của Trung Quốc
- Đặc trưng văn hóa ẩm thực Trung Quốc có thể bạn chưa biết
- Khám phá 56 nhóm dân tộc ở Trung Quốc