[Review sách] – “Đường về nhà” – hành trình thử thách bản thân

“Đường về nhà” – Tác phẩm mà bất cứ người trẻ nào nên sở hữu, bởi nó không chỉ đơn thuần là một cuốn sách kể về cuộc hành trình đơn độc đạp xe 3395km từ Bắc Kinh về Hà Nội mà nó như một tiếng thúc giục tuổi trẻ trong mỗi chúng ta hãy thử thách bản thân, hãy theo đuổi đam mê đến cùng.

Xu là cựu du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc. Cô có sở thích đặc biệt là đạp xe “vì cảm giác tự do nó mang lại”. Đường về nhà gồm 31 chương, như một ký sự bám sát lộ trình đạp xe và dừng nghỉ trên quãng đường từ Bắc Kinh về Hà Nội của cô gái. Tác phẩm được chắp bút bởi cựu nhà báo Đinh Phương Linh.

Hành trình 30 ngày bắt đầu từ thủ đô xứ Vạn lý Trường thành sáng 26/12/2013 và kết thúc ngày 24/1/2014 tại Hà Nội. Theo quốc lộ 107 và 322, Xu đi xuyên qua các tỉnh Hà Bắc, Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, Quảng Tây của Trung Quốc và theo quốc lộ 1 về Lạng Sơn, Hà Nội. Xu trải qua 22 chặng đường và nghỉ chân ở 21 địa danh như: Bảo Định, Thạch Gia Trang, Hàm Đan, Quế Lâm, thị trấn Lê Gia Bình, Lệ Phố, Liễu Châu, Thiên Giang, Nam Ninh, Lạng Sơn…

Trên hành trình dài khắp một dải Nam – Đông Nam Trung Quốc ấy, Xu có lúc tìm được nhà để nghỉ nhờ thông qua cộng đồng CouchSurfing – mạng lưới kết nối những người du lịch giá rẻ trên toàn thế giới. Cũng có điểm dừng chân, trong cái lạnh giá ẩm ướt của mưa rét, trong nỗi mệt mỏi suốt một ngày dài, cô phải trọ lại ở những phòng giá rẻ tồi tàn.

Từ khi bắt đầu đến khi dấn mình vào hành trình, câu hỏi Xu gặp nhiều nhất là: Tại sao lựa chọn đạp xe trên một quãng đường xa xôi, đơn độc giữa rất nhiều phương tiện giao thông hiện đại và nhanh chóng? Theo cách nghĩ thông thường, hành vi này được coi là một “chuyện điên rồ”. Song trong lựa chọn của mỗi cá nhân bao giờ cũng hàm chứa lý do khác biệt, đôi khi thách thức sự đồng cảm của người khác. Có người coi một cung đường khó khăn như “cách thử thách bản thân”, có người coi đó là “hành trình tuổi trẻ”. Xu thổ lộ: “Chuyến đi này của tôi nhằm mục đích trải nghiệm”.

Bìa sách “Đường về nhà”

Trên hành trình, mỗi ngày Xu gặp đủ kiểu người, trải nghiệm nhiều điều phi lý, từ những chuyện khó khăn, gây thất vọng cho tới sự tẻ nhạt, tầm thường hoặc cám dỗ… Giữa những “bức tranh” ngoại cảnh, tự sự của nhân vật ẩn hiện, có khi lấp đầy cả trang nhật ký. Xu nhớ về những chuyến đi trong quá khứ, những người bạn có duyên tái ngộ, những người thân đang mong ngóng, quãng thời gian trả nợ và thích nghi với cuộc sống của du học sinh…

Với Xu, đạp xe đơn giản là một hành vi thiền định, để có sự biến chuyển bên trong chứ không phải một kết quả hữu hình nhìn thấy bên ngoài. Qua không ít lần mệt mỏi, nản chí bởi quãng đường không phẳng phiu, bởi những ngày thời tiết không ủng hộ, mưa ốm sụt sùi, những đêm ngủ nhà trọ tồi tàn, lạnh lẽo… cuối cùng Xu cũng được về nhà, về đến đích hành trình mà cô đã chọn.

Triết lý Xu gửi gắm được Đinh Phương Linh chuyển tải bằng lối kể “đồng thanh tương ứng”. Tác giả viết theo dạng nhật ký hành trình với ngôi kể xưng “tôi”, mang cảm giác như chính nhận vật đang kể chuyện bằng giọng điệu của mình chứ không phải câu chuyện ghi chép bởi người thứ hai.

Tác giả – thay vì nêm thêm gia vị cho chuyện bằng những đoạn gay cấn, bước ngoặt, sắc màu phiêu lưu (như gợi ý của những người bạn đầu tiên tiếp xúc với bản thảo) – đã chọn lối kể chân phương, mộc mạc. Dù đi ngược mong đợi của những độc giả thích một tác phẩm giàu kịch tính, gợi trí tò mò, văn phong ấy mang tới cảm xúc chân thực.

Độc giả cảm thấy sau khi gấp sách lại, các bạn ấy đã có thêm động lực để làm những điều mình muốn: đi du lịch, đi du học, hay bất cứ thứ gì.

Điều tuyệt vời nhất với tác giả cuốn sách không phải là sự nổi tiếng, “Đường về nhà” bán chạy thế nào… mà chính là hành động của người đọc và sự thay đổi mà cuốn sách mang lại.

Theo: giaitri.vnexpress.net, FB “Đường về nhà”

ĐĂNG KÝ HỌC TẠI ĐÂY


Tham gia bình luận:

Đăng

nhận

vấn
ĐĂNG KÝ HỌC TẠI ĐÂY