Phần 1: Lễ cúng cô hồn
Chuyện xưa kể rằng ngày rằm tháng Bảy âm lịch cửa địa ngục mở ra, âm cung xóa tội vong nhân, hồn người chết ở cõi âm được về gặp người sống ở cõi dương gian
Lễ cúng cô hồn (鬼节) theo quan điểm Phật giáo là ngày người dương bố thí cho những chúng sinh đang đói khát. Người theo đạo Phật luôn phát tâm từ bi, thương xót mọi loài chúng sinh, đồng thời nguyện tu tạo phước báo bằng cách bố thí và cúng tế.
Từ truyền thuyết xa xưa…
Phong tục cúng cô hồn của nhiều nước Châu Á ngày nay có nguồn gốc từ Trung Quốc. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là “Phóng diệm khẩu” (放焰口), nghĩa là thả quỷ miệng lửa.
Tên gọi này có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà (thường gọi tắt là A Nan) với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu 焰口). Một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau, A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa, mặt cháy đen như nó.
A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi kiếp nạn. Quỷ đói nói: “Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, và soạn lễ cúng Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ, còn tôi sẽ được sinh về cõi trên”.
A Nan đem chuyện thuật lại với Ðức Phật. Đức Phật bèn cho bài chú gọi là “Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ Ðà La Ni”. A Nan đem tụng trong lễ cúng và được thêm phúc thọ…
Phong tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này nên ngày nay người ta vẫn nói cúng cô hồn là Phóng diệm khẩu, với nghĩa gốc là “thả quỷ miệng lửa”. Về sau, lại được hiểu rộng thành các nghĩa khác như tha tội cho tất cả những người chết (xá tội vong nhân) hoặc cúng thí cho những vong hồn vật vờ (cô hồn).
Tháng bảy Âm lịch còn gọi là tháng “xá tội vong nhân”, tức là thời gian các vong hồn được thả tự do. Trong những ngày này, người dân thường lập đàn cầu siêu hoặc cúng thí (bố thí) thức ăn cho các cô hồn để mong họ phù hộ cho mình.
… đến những phong tục thời nay
Ở Trung Quốc, việc cúng cô hồn được thực hiện vào ngày 14 tháng 7 âm lịch. Mặt khác dân gian còn gọi tháng bảy là “tháng cô hồn” không đem lại may mắn nên người ta thường tránh khởi sự làm ăn mua bán xây nhà trong thời gian này.
Trong dịp lễ cúng cô hồn, chư tăng thường tổ chức các buổi lễ cầu nguyện cho người quá cố. Những khóa lễ đặc biệt được tổ chức ở các chùa suốt cả ngày lẫn đêm trong dịp rằm tháng 7 để cầu nguyện cho những vong hồn đang bị đói khát dày vò được ấm no, an lành. Thường thì tăng ni phật tử ở Trung Hoa tổ chức lễ cúng cô hồn từ ngày 14 tháng 7 cho đến ngày 30 tháng 7 âm lịch. Và người ta còn quan niệm rằng, trong những ngày ấy, cửa địa ngục sẽ mở ra cho các vong linh về thăm người thân của họ, cho đến ngày 30 tháng 7 thì cửa ngục đóng lại. Cũng trong dịp này, tín đồ Phật tử ở Trung Hoa còn làm các việc phước thiện: bố thí, cúng dường, phóng sinh… để hồi hướng công đức cho cha mẹ và người thân của mình.
Người Trung Quốc còn có tục thả thuyền giấy hoặc đèn hoa đăng trên sông vào buổi tối như một cách để chỉ đường dẫn lối cho những linh hồn phiêu dạt biết đường trở về âm phủ trước khi cửa đóng hẳn.
Vào dịp này, các địa phương cũng thường tổ chức văn nghệ quần chúng, mời người dân địa phương đến xem, hàng ghế đầu tiên luôn là hàng ghế trống để dành cho các linh hồn tới cùng chung vui.