Rằm tháng 7 – Vẻ đẹp tâm linh huyền bí
Phần 2: Lễ Vu Lan
Rất nhiều người trong chúng ta nhầm lẫn rằng, lễ Vu Lan chỉ là tên gọi khác của lễ Xá tội vong nhân. Trên thực tế đây thực sự là 2 lễ khác nhau, tuy có chung nguồn gốc Phật giáo song xuất phát từ những điển tích riêng biệt.
Lễ Vu Lan (盂兰节), còn được gọi là lễ “Vu Lan bồn” (盂兰盆节) là ngày lễ báo hiếu – một trong những lễ vô cùng quan trọng của Phật giáo. Nguồn gốc lễ Vu Lan gắn liền với truyền thuyết cảm động về tình mẫu tử, không chỉ được biết đến trong giới tu hành mà còn được lưu truyền rộng rãi trong chốn nhân gian.
Chuyện kể rằng một trong 10 đại đệ tử của Phật tổ tên là Mục Liên, sau khi đã tu thành chính quả, những mong cha mẹ mình cũng được siêu độ. Mục Liên bèn dùng mắt thần nhìn xuyên tam giới sáu cõi, thấy linh hồn mẹ mình bị giam ở địa ngục, đày làm quỷ đói do kiếp trước gây nhiều nghiệp ác. Mục Liên cầu xin Đức Phật giúp mình cứu mẹ.
Đức Phật dạy ông rằng một mình ông không thể cứu được mẹ do ác nghiệp của bà quá nặng, chỉ còn cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong thành công. Vào ngày rằm tháng bảy, nhân lúc chư tăng mãn hạ (sau 3 tháng an cư kiết hạ) thì sửa một cái lễ đặt vào trong chiếc chậu để dâng cúng và thành khẩn cầu xin mới có thể cứu rỗi vong nhân khỏi địa ngục tăm tối.

Mục Liên thành tâm làm theo lời Phật dạy, không những cứu được mẹ mà còn giải thoát được tất cả vong hồn bị giam cầm ở âm cung. Từ đó về sau, các phật tử muốn báo hiếu cha mẹ thì cử hành lễ Vu Lan để cầu siêu cho các đấng sinh thành và cả cho những vong hồn lưu lạc.
Trong Phật giáo lễ này có vai trò hết sức quan trọng bởi lẽ nó thể hiện một trong “Tứ đại trọng ân” của nhà Phật: 1. Ân Cha Mẹ; 2. Ân Tam Bảo Sư trưởng; 3. Ân quốc gia xã hội; 4. Ân chúng sinh vạn loại. Ân Cha Mẹ là ân đầu tiên trong Tứ ân, Cha Mẹ ở đây không phải chỉ là người sinh thành ra mình mà có thể hiểu là chúng sinh. Bởi khi còn tại thế, một lần trên đường đi thuyết pháp Đức Thích Ca Mâu Ni gặp một đống xương khô, Người đã quỳ xuống bái lạy, và giải thích cho các đệ tử rằng biết đâu người này kiếp trước là cha mẹ ta.
Tại Trung Quốc, trong ngày lễ Vu Lan, người ta đi thăm viếng phần mộ của người thân đã quá cố và sửa sang, quét dọn lăng mộ. Họ cúng thực phẩm và giấy tiền, vàng mã cho những người đã khuất.

Ngoài việc tổ chức lễ bái, cầu siêu, thả đèn hoa đăng cũng là một tín ngưỡng rất được coi trọng. Người Trung Quốc tin rằng những ánh đèn liên hoa, tượng trưng cho ánh sáng của Phật, sẽ dẫn đường chỉ lối cho linh hồn thân nhân họ và những vong linh khác bước theo chính đạo, vượt qua bể khổ để được phổ độ, siêu thoát.

Lễ Vu Lan được tổ chức ở nhiều quốc gia Châu Á, là một ngày lễ lớn có sức ảnh hưởng sâu rộng, nhưng ở Việt Nam có một nghi lễ riêng không có ở bất cứ nơi nào trên thế giới: “Bông hồng cài áo”. Những ngày Vu Lan vào chùa lễ Phật, ai ai cũng sẽ được gắn một bông hoa hồng lên áo. Những ai may mắn còn cả cha và mẹ, sẽ được gắn một bông hồng đỏ. Nếu như cha hoặc mẹ đã khuất bóng, thì sẽ được gắn một bông hoa trắng.

Hình ảnh những đóa hoa trắng tượng trưng cho nỗi buồn đau vô tận đặt bên cạnh những đóa hồng đỏ hiện hữu thay cho niềm hạnh phúc được sống trong tình thân đủ đầy, đã khiến nghi lễ này trở thành một dấu ấn thiêng liêng sâu đậm trong đời sống tâm linh và tình cảm của con người Việt Nam