3 lời răn quý của Khổng Tử
Nhân ngày 20/11, cùng ngẫm lại những lời răn quý báu của người thầy vĩ đại Khổng Tử, để thêm thấu hiểu hơn nỗi lo của những người thầy dành cho học sinh của mình. Để yêu quí hơn, cảm thông hơn với những công việc của người thầy.
Trong luận ngữ của Khổng Tử có nói, Ở đời có 3 điều đáng tiếc
Một là ” Việc hôm nay bỏ qua”
Mỗi giây trôi qua, thế giới có thêm 4 người. Tính một cách đơn giản, cứ mỗi giây trôi qua, mức độ cạnh tranh trên thế giới lại tăng thêm.
Cứ mỗi giây trôi qua, lại có hàng tỷ megabyte thông tin được phân phát trên mạng. Nói cách khác, thứ bạn biết của một giây trước có thể đã lỗi thời.
Cứ mỗi giây trôi qua, có hàng trăm tỷ bước chân đặt dấu lên mặt đất. Cũng có nghĩa là mọi người luôn di chuyển, luôn thay đổi.
Bạn không phải là duy nhất, bạn không phải đặc biệt nhất, bạn không phải người nhanh nhất. Chắc chắn là như vậy.
Chỉ vì do dự vài bữa không tỏ tình với người bạn thích, hôm sau bạn đã có thể thấy người ấy đi cạnh người khác. Chỉ vài tiếng do dự không ứng tuyển vào vị trí bạn thích, người khác đã có thể lấy đi cơ hội của bạn. Chỉ vài giây lưỡng lự, bạn có thể đã đánh mất cơ hội ký kết một hợp đồng. Mà rất có thể, sau này là tài sản khổng lồ của bạn.
Như ông chủ facebook từng nói: “Bạn phải đủ nhanh để phá vỡ mọi rào cản, nếu bạn chỉ đang phá vỡ đồ đạc của mình, tức là bạn chưa đủ nhanh”.
Dân gian ta cũng có câu: “Việc hôm nay chớ để ngày mai”
Nguy hại nhất của thói chần chừ, đó là nó đi theo cấp số nhân. Ban đầu chỉ vì bạn hơi lười 1 chút, nhưng dần dần nó lớn lên thành bản tính trì trệ, kéo sập mọi cánh cửa tương lai của bạn.
Vì vậy, điều đáng tiếc nhất có lẽ là không làm việc mà hôm nay đáng nhẽ bạn nên bắt đầu. Hãy cứ sai đi, sai rồi sửa. Đừng ngồi tính toán đến quá nhiều rủi ro, bạn sẽ không bắt đầu được chứ đừng nói là thành công. Đó cũng là bí quyết mà JACKMA luôn chia sẻ.
Hai là “Đời này chẳng học”
Chắc 99% chúng ta đã từng tự hỏi: “học để làm gì?”. “tại sao tôi phải học”.
Rồi sau đó lên mạng và thấy những tấm gương bỏ học thành nghiệp lớn.
Và lại tự nhủ: “học hành toàn sách vở, học làm gì nữa”.
Điều đó chỉ đúng nếu bạn có khả năng tự học hơn người. Những vĩ nhân bỏ học thành tài, họ tự học còn nhiều hơn thời gian bạn dành ra để ăn, ngủ, tắm rửa cộng lại.
Chính Bill gate từng chia sẻ: “Đừng bắt chước tôi bỏ học, hãy làm như tôi nói, đừng làm theo tôi làm”. Ông nói: “tôi rất thích đi học. Nhưng khi tôi đã hiểu hết những gì ở trường và thấy cơ hội có một công ty đầy triển vọng, tôi đã làm ngay không do dự. Tôi chỉ là trường hợp đặc biêt.”
Vậy đó. Từ hàng ngàn năm trước, Khổng Tử đã nhắc nhở chúng ta phải học. Và đặc biệt là phải học ngay hôm nay, ngay lúc này, mọi lúc, chứ không phải cứ “để mai học”.
Ba là “Thân này lỡ hư”
Gỗ mục không thể đóng thành thuyền. Con người sa ngã không thể nên người.
Đời này chẳng học. Đời này luôn do dự không dám làm. Rồi cứ để tiềm năng mãi chỉ là tiềm năng. Đến một ngày nó cũng như gỗ mục tàn tạ theo thời gian.
Đừng để bản thân lỡ làng. Lỡ làng còn đáng tiếc hơn là thất bại.
Những người thầy thường thúc ép các bạn học, không chỉ vì đó là công việc, mà còn là vì tình yêu và sự quan tâm đến chính bạn. Hãy yêu quí người thầy của mình hơn nữa nhé.